- Thấy con gái mới 8 tuổi nhưng đã nhú ngực, xuất hiện lông vùng kín và có kinh nguyệt, chị N. vội đưa con đi khám và bàng hoàng khi biết nguyên nhân là do chính mình gây ra.
Chị N. kể, con gái ra đời rất nhẹ cân, lo con còi cọc, chị đã tìm hết cách từ dùng thực phẩm chức năng, các loại vitamin của nước ngoài, rồi tới cả thuốc kích thích ăn uống, tẩm bổ cho con quá nhiều thực phẩm giàu chất béo...
Kết quả là, dù dòng họ hai bên gia đình không có ai 'tiền sử' dậy thì sớm, nhưng con chị 8 tuổi đã "trổ mã".
Chị T. sinh con trai đầu lòng, với tâm lý cho con ăn nhiều để có sức khỏe tốt, chống chọi bệnh tật và ra sức nhồi nhét con. Tầm 1-2 tuổi, mỗi bữa chị nhồi con một "bát chậu" cháo với đủ loại rau củ và thịt. Con được 5 tuổi có biểu hiện béo phì, ăn không biết no, chị lại lo lắng tìm cách ép con ăn giảm khiến tới bữa ăn, con vô cùng thèm thuồng lúc bị bắt phải bỏ bát.
Bé C. cứ tới bữa ăn là ôm bụng kêu đau, thậm chí đau quằn quại. Lúc đầu bố mẹ tưởng con giả vờ để trốn ăn liền dọa nạt, bắt con ăn. Bé vẫn cố nuốt, nhưng có lúc ăn xong nôn vọt ra thì hết đau bụng...
Bác sĩ Đinh Thị Kim Liên, nguyên giám đốc trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, rất nhiều gia đình đưa trẻ tới trung tâm thăm khám, thể trạng rất bình thường nhưng mẹ vẫn nói gầy hơn so với trẻ khác, vẫn sợ con suy dinh dưỡng, vẫn yêu cầu cho thuốc uống.
"Khi họ hỏi có thuốc nào giúp con thèm ăn không, tôi nói rằng không cần đến thuốc nào cả. Con chị hoàn toàn bình thường. Nhưng họ vẫn rất lo lắng", bác sĩ Liên kể.
Tí tuổi đã đau dạ dày
Theo bác sĩ Liên, khi trẻ bị nhồi nhét ăn, sẽ có rất nhiều nhiều hậu quả xảy ra. Về tâm lý, nhồi ăn bất chấp con thích hay không khiến trẻ sợ: sợ từ món ăn, sợ việc ăn, sợ cha mẹ quát nạt.
Từ đó, việc ăn của trẻ thành cực hình, trẻ trở thành cỗ máy chỉ nhai và nuốt chứ không hề cảm nhận được mùi vị ngon lành của thức ăn, dẫn tới tiêu hóa kém, rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày và thậm chí là sang chấn tâm lý vì quá căng thẳng.
Nhồi nhét nhiều còn dẫn tới việc trẻ hình thành thói quen ăn nhiều gây béo phì. Trẻ béo phì sẽ gây nhiều bệnh mãn tính về sau như tiểu đường, cao huyết áp. Béo phì lúc nhỏ cũng dễ dẫn đến béo phì lúc lớn, gây rối loạn chuyển hóa mỡ, thậm chí ung thư ở những bộ phận như trực tràng, ảnh hưởng tới cơ quan sinh dục...
"Bắt con ăn thật nhiều khiến cho trẻ bị stress. Stress là bệnh và đặc biệt ảnh hưởng tới tiêu hóa, dạ dày. Có những trẻ nhìn thấy ăn đã đau quặn hết bụng, tiêu hóa kém. Nhồi nhiều không chắc con đã khỏe mạnh hơn", BS Liên cảnh báo.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai, đau dạ dày trẻ em không phải ít gặp mà là phổ biến và đang có xu hướng tăng nhiều. Và dù chế độ ăn của trẻ ổn định, nhưng những yếu tố về tâm lý như bị ép ăn, bị mắng mỏ… gây ảnh hưởng rất nhiều đến dạ dày.
Dậy thì sớm
Theo bác sĩ Liên, trẻ bị ép ăn nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thừa dinh dưỡng, làm tăng lượng hormon trong cơ thể khiến các trẻ em bị dậy thì sớm từ đó làm hạn chế sự phát triển chiều cao của trẻ.
Do chưa trưởng thành về tâm lý, sự phát triển sớm của cơ thể sẽ khiến trẻ có những hiểu biết sai lầm. Nhiều bé gái đã hốt hoảng, sợ hãi, xấu hổ, lo lắng, dẫn đến buồn rầu và bỏ học khi cơ thể có sự thay đổi. Các bé trai có khuynh hướng hung hăng, dễ nổi cáu và hay gây gổ với những người xung quanh.
Dậy thì sớm dễ khiến trẻ có những hành vi bất thường, nhiều trẻ còn bị rối loạn suy nghĩ và có cái nhìn lệch lạc về vấn đề tình dục.
Tuy nhiên, nhiều cha mẹ thấy con có biểu hiện dậy thì sớm không đưa đi bác sĩ thăm khám, thậm chí còn tự hào vì con mình khỏe mạnh, phát triển hơn các bạn cùng trang lứa. Hậu quả là đến tuổi trưởng thành, trẻ sẽ thấp hơn so với chiều cao tiêu chuẩn, vì hormone sinh dục kích thích các đầu xương bị cốt hóa sớm, khiến trẻ không thể phát triển chiều cao.
Theo các nhà nghiên cứu thế giới, béo phì và việc tiêu thụ một lượng lớn đạm động vật là nguyên nhân chính gây ra tình trạng dậy thì sớm ngày một nhiều.
Tạp chí Atlantic (Mỹ) cho biết, dậy thì sớm ở bé gái đã trở thành mối quan tâm ngày càng tăng lớn trên thế giới. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nó gây ra một số nguy cơ với sức khỏe, như khả năng mắc ung thư vú, các bệnh tim mạch, trầm cảm, đái tháo đường...
Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu ung thư tại Anh đưa ra kết luận, việc phát triển ngực ở trẻ em từ 10 tuổi hoặc trẻ hơn làm tăng nguy cơ ung thư vú đến 20%. Hơn nữa, theo các bác sĩ chuyên khoa, dậy thì sớm ở bé trai còn là căn nguyên gây nên bệnh vô sinh.
Để đối phó với tình trạng này, cần hạn chế những đồ ăn nhanh và thực phẩm được chiên nhiều dầu mỡ, nên cho trẻ ăn vặt bằng rau quả, củ. Với trẻ phát triển bình thường, cha mẹ không tự ý dùng các sản phẩm bổ dưỡng có tính kích thích sự tăng trưởng và dậy thì, đảm bảo chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý, vừa đủ.
Thái An
Đăng nhận xét