- Sau khi ăn hồng giòn, bệnh nhân thấy bụng cứng, buồn nôn, đi khám được xác định có khối u trong bụng. Khi nội soi lại, phát hiện trong dạ dày có 4 khối bã to hơn quả trứng.
Ths.BS Vũ Hồng Anh, Trưởng khoa Thăm dò chức năng - nội soi, bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, khoa vừa can thiệp gắp bỏ khối bã cho nữ bệnh nhân Hoàng Thị S. (45 tuổi, Phù Ninh, Phú Thọ) bị tắc ruột do ăn hồng giòn.
Bệnh nhân nhập viện ngày 28/11 trong tình trạng đau bụng, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng. Tiến hành nội soi, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày bệnh nhân có 4 khối bã lớn to như quả trứng. Trong đó, 3 khối có đường kính 4-6cm, khối còn lại to bất thường với đường kính trên 7cm.
Khối bã lớn trong dạ dày bệnh nhân |
Trong gần 2 giờ, các bác sĩ đã can thiệp nội soi cắt nhỏ và gắp bỏ hoàn toàn 3 khối bã nhỏ. Khối lớn nhất còn lại sẽ được can thiệp trong một lần khác để tránh ảnh hưởng sức khỏe.
Đến hôm nay, sau khi tỉnh táo, bệnh nhân S. cho biết, cách đây vài ngày có ăn liền một lúc 3 quả hồng giòn khi bụng vẫn còn đói. Sau khi ăn vài giờ, bệnh nhân đau bụng, nôn, sờ thấy khối cứng trong ổ bụng.
Khi đi khám tại cơ sở y tế địa phương, bệnh nhân được chẩn đoán có khối u trong bụng, chỉ định chuyển lên bệnh viện K để điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân đã đến bệnh viện E khám lại.
BS Hồng Anh cảnh báo, với các trường hợp tắc ruột, nếu không được xử trí kịp thời, bã thức ăn ứ đọng có thể gây biến chứng hoại tử ruột, thủng ruột, viêm màng bụng, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân… dẫn tới tử vong.
Trước đây, bệnh viện E cũng từng xử trí cho một bệnh nhân nữ sinh viên 23 tuổi bị tắc ruột do ăn quá nhiều măng khô. Trường hợp khác là cụ bà 86 tuổi bị tắc ruột do ăn thịt không nhai kĩ, vón thành cục lớn.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo, trước khi ăn các món có nhiều nhựa như ổi, hồng ngâm, măng khô cần phải ăn khi no. Nếu ăn khi dạ dày rỗng, nồng độ HCL cao sẽ khiến chất xơ, nhựa dễ bị kết tủa tạo thành các khối bã rắn chắc.
Với người già, lưu ý không nên nuốt thức ăn dai, cứng, nhiều gân, sụn, khi ăn cần nhai kĩ.
T.Hạnh
Đăng nhận xét