Trong tháng 11 vừa qua, tại tỉnh Đắk Lắk đã có một trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân là một cháu bé 25 tháng tuổi, có triệu chứng sốt cao liên tục, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân. Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bệnh nhi thì kết quả đưa ra dương tính với virus Enterovirus 71 (EV71). Chủng EV71 là chủng virus gây ra đến 80% các biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh tay chân miệng, từng khiến các bà mẹ hoang mang trong trận dịch tay chân miệng năm 2012.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (bệnh viện Nhiệt đới TW): "Hầu hết ca tay chân miệng ở ngoài Bắc đều diễn biến nhẹ. Trẻ bị sốt, sau đó nổi ban ở lòng bàn tay, bàn chân, một số xuất hiện thêm ở gối hoặc vùng mông, khuỷu tay. Phần lớn trẻ đều sốt cao, xuất hiện ban trong miệng, khiến bé rất đau, quấy khóc nhiều, khó nuốt. Bệnh thường tự khỏi sau 3-5 ngày nếu cha mẹ biết cách chăm sóc".

Cũng theo bác sĩ Trung Cấp, vì những năm gần đây, số lượng trẻ bị tay chân miệng đã giảm bớt, ít trường hợp tử vong nên nhiều bậc cha mẹ trở nên chủ quan khi con bị bệnh, vẫn cho rằng chỉ cần chăm sóc tốt có thể tự khỏi nên không mang đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh. "Chủng EV71 là chủng virus độc và nguy hiểm hơn nhiều so với những chủng virus tay chân miệng khác. Virus bệnh Tay chân miệng xâm nhập cơ thể và cư trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột. Sau khoảng 24h, virus sẽ đi đến các hạch bạch huyết, xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết trong khoảng thời gian ngắn. Hầu hết các trường hợp bị bệnh sẽ qua khỏi nhưng có một số nếu căn nguyên gây nên bệnh là EV71 có thể bệnh sẽ diễn biến phức tạp hơn, nhất là khi virus gây tổn thương hệ thần kinh trung ương sẽ thể hiện bệnh viêm màng não. Biểu hiện là sốt cao, nhức đầu, cứng cổ, buồn nôn, nôn vọt".

Theo Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội, trong năm nay đã phát hiện ít nhất 2 ca bệnh tay chân miệng dương tính với virus EV71. Tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Bệnh xảy ra quanh năm đặc biệt là các tháng cuối năm, lây truyền theo đường tiêu hóa. Nguyên nhân là do vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém, đặc biệt là kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên. Hầu hết ca bệnh đều diễn biến nhẹ, một số ít trường hợp diễn biến nặng và biến chứng nguy hiểm.

Cũng theo bác sĩ Trung Cấp, bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên cần theo dõi sát, phát hiện sớm và điều trị biến chứng tốt cho bệnh nhi.

Để chủ động phòng bệnh, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu trạm y tế các quận, huyện, thị xã phát hiện sớm ca bệnh, khống chế không để dịch lây lan; phối hợp với phòng giáo dục tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, khuyến cáo phụ huynh khi có trẻ mắc bệnh phải thông báo cho nhà trường và cơ sở y tế để có biện pháp cách ly kịp thời. Các trường học cũng được hướng dẫn cách phòng bệnh như vệ sinh lớp bằng xà phòng hoặc chloramin B...

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.