Thông tin từ Ths.BS Trần Quốc Bảo (Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế) cho biết: Việt Nam được xếp thứ 2 trong các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia tính theo cồn nguyên chất.
Các chuyên gia bày tỏ mối lo ngại sâu sắc về "nạn dịch" lạm dụng rượu, bia – một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng của những bệnh không lây nhiễm chủ yếu và những hệ lụy to lớn về sức khỏe, gánh nặng kinh tế và xã hội.
Rượu bia gây ra những tác hại gì?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), rượu bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 5 trong 15 nguy cơ sức khỏe hàng đầu tại Việt Nam.
Rượu bia gây ra 5,7% tổng số ca tử vong; có liên quan đến 35,2% các ca tai nạn giao thông ở nam giới; là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội và 33% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam…
Theo Ths Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế: Hậu quả của vấn đề lạm dụng rượu bia rất đáng lo ngại trong bối cảnh hiện nay. Thứ nhất, sử dụng rượu bia sẽ kéo theo rất nhiều hậu quả nảy sinh như sức khỏe. Cụ thể, rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của 30 mã bệnh và nguyên nhân gián tiếp của 200 mã bệnh theo phân loại của quốc tế.
Có những loại bệnh rất đặc hiệu liên quan đến sử dụng rượu bia như các bệnh ung thư: có khoảng 7 loại ung thư có nguyên nhân trực tiếp; có khoảng 10 loại ung thư là nguyên nhân có liên quan. Ngoài ra, còn có vấn đề liên quan đến loạn thần hoặc tai nạn giao thông là những điều trực tiếp, hoặc tai nạn thương tích do rượu bia gây ra.
Thứ 2, rượu bia còn có nguyên nhân về mặt xã hội như suy giảm năng lực làm việc, cũng như làm mất cơ hội thăng tiến của người sử dụng rượu bia. Phụ nữ, con cái của người sử dụng rượu bia chịu sự liên đới rất lớn tới hành vi này của đàn ông. Đặc biệt, trẻ em rất dễ bị lạm dụng tình dục, bởi thực tế cho thấy, có trường hợp nhiều em gái bị những gã say rượu quấy rối hoặc hãm hiếp.
Trong gia đình, trẻ em có thể bị bạo hành, bị mất đi cơ hội được chăm sóc, giáo dục; thậm chí mất đi cơ hội học hành, khám chữa bệnh do tiền bị ông bố mua rượu.
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, một điều rất đáng lưu ý là người dân tộc thiểu số có tỷ lệ sử dụng rượu bia cao hơn những người khác, vì thế họ chịu ảnh hưởng của rượu bia mạnh hơn. Do đó, nếu sử dụng rượu bia không có kiểm soát, thì bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn, bởi phụ nữ, trẻ em, những người có trình độ học vấn thấp thường rơi vào nhóm người dân tộc thiểu số.
Về tác hại của rượu bia đối với lứa tuổi vị thành niên, bà Minh Hạnh phân tích: Về sức khỏe thể chất, não bộ của con người chỉ thực sự phát triển một cách đầy đủ khi 25 tuổi. Nếu sử dụng rượu bia trước độ tuổi này, thì sự kích ứng não bộ rất nhạy cảm, sẽ tác động đến trí tuệ, sức khỏe tinh thần, hệ thần kinh của các em sau này.
Các bạn trẻ sử dụng rượu bia sớm, có nghĩa nguy cơ lạm dụng càng cao, thời gian sống trong lạm dụng rượu bia càng dài, hậu quả dẫn đến các bệnh mãn tính và cấp tính cao hơn những người có thời gian sử dụng rượu bia ít hơn.
Ở độ tuổi trẻ em, do chưa trưởng thành đầy đủ nên khi sử dụng rượu bia rất dễ gây tổn thương, dễ tự sát hoặc quan hệ tình dục không có kiểm soát, suy giảm kết quả học tập. Nguy hại hơn, tuổi vị thành niên sử dụng rượu bia nhiều cũng dự báo cho một thế hệ tương lai của đất nước có sức khỏe thể chất và tinh thần yếu ớt, thậm chí nhân cách bị ảnh hưởng.
Theo các chuyên gia, không có mức độ nào là an toàn khi sử dụng rượu bia. Các bằng chứng cho thấy chỉ cần uống một lượng rượu, bia rất nhỏ cũng có thể gây ra các nguy cơ và hậu quả sức khỏe.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!
Đăng nhận xét