Đại diện Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đang giải đáp mọi băn khoăn của bạn đọc về các chính sách mới.
Đặt câu hỏi TẠI ĐÂYTheo Thông tư số 40/2015/TT-BYT của Bộ Y Tế về quy định đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến khám chữa bệnh, có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, ngành y tế chính thức thông tuyến khám chữa bệnh BHYT (giữa tuyến xã và tuyến huyện) trên cùng địa bàn. Người có thẻ BHYT được chọn nơi KCB, thậm chí chọn phòng khám, bệnh viện tư nhân tương đương mà vẫn được chi trả 100% chứ không phải 70% như lâu nay.
Ông Lê Văn Phúc và Bà Nguyễn Thị Bích Hường, hai khách mời sẽ tham gia giao lưu trực tuyến |
Cùng với việc xóa bỏ giới hạn nơi khám chữa bệnh, nhiều quy định mới thực hiện trong năm 2016 đã tạo thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ BHYT khi tiếp cận dịch vụ y tế; như Không quy định ngày giờ khám chữa bệnh, Cải cách thủ tục, quy trình khám chữa bệnh, Quyền tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT đi làm ăn, học tập xa địa phương...
Tuy nhiên, trong số 74,3 triệu người Việt Nam tham gia BHYT hiện nay, không phải ai cũng hiểu biết đầy đủ quyền lợi khám chữa bệnh khi tiếp cận dịch vụ y tế. Nhiều người thậm chí tự mặc định: sử dụng BHYT sẽ khó được khám chữa tử tế, dẫn đến việc không thụ hưởng đầy đủ quyền lợi tấm thẻ.
Đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc, báo VietNamNet phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Giao lưu trực tuyến: "Bảo hiểm y tế 2016, nhiều đổi mới vì dân".
Các chuyên gia - khách mời sẽ báo cáo bạn đọc kết quả phục vụ của ngành Y tế và Bảo hiểm Xã hội năm 2016, giải đáp thắc mắc liên quan quy định mới, như Thông tuyến huyện trong khám chữa bệnh, Mức đóng - Chi trả BHYT (đặc biệt khi tăng giá dịch vụ y tế)...
- Thời gian: 14h Thứ Sáu ngày 23/12/2016
- Khách mời:
+ Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám Đốc Bệnh viện hữu nghị Việt Đức
+ Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Thực hiện Chính sách BHYT - BHXH
NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU
vũ thế nam , Nam - 59 Tuổi
Thẻ BHYT của tôi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại Quận Dương Kinh, TP Hải Phòng. Hiện nay tôi đang ở và làm việc tại TP Nam Định. Tôi khám bệnh ở bệnh viện Nam Định có được hưởng chế độ BHYT như đúng tuyến không
Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định của luật BHYT, TH của ông(bà) nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện đa khoa tỉnh thì được coi là khám chữa bệnh không đúng tuyến, ông(bà) được quỹ BHYT thanh toán 60% chi phí điều trị nọi chú trong phạm vi quyền lợi BHYT. Nếu ông(bà) đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện của Nam Định thì được coi là khám chữa bệnh đúng tuyến.
Minh Sang , Nam - 27 Tuổi
Thưa BS Hường, điều kiện để khám chữa bệnh theo BHYT ở BV Việt Đức là gì ạ? Khi vào khám, bệnh nhân cần làm thủ tục gì và ở đâu? Xin cảm ơn bà
Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Bệnh viên hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng đặc biệt, tuyến cuối về ngoại khoa. Người bệnh được hưởng đầy đủ quyền lợi trong phạm vi quyền lợi của mức thẻ khi: người bệnh có giấy giới thiệu chuyển tuyến đúng quy định hoặc người bệnh trong tình trạng cấp cứu.
Khi đến khám chữa bệnh tại bệnh viện người bệnh cần mang theo thẻ BHYT, giấy tờ tùy thân có ảnh như chứng minh thư, hộ chiếu...và giấy giới thiệu chuyển viện.
Ngoài ra, trong một số trường hợp cần mang các giấy tờ khác (nếu có) như: giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm liên tục, hoặc biên lai thu phí dịch vụ của các đợt khám trước... để được hưởng đầy đủ quyền lợi.
Trần Lực , Nam - 50 Tuổi
1/ Vì sao chỉ mua gói bảo hiểm chậm 1 ngày cũng bị phủ nhận cả một quá trình mua bảo hiểm nhiều năm ? 2/ Vì sao phải có chi phí y tế bằng 6 tháng lương cơ bản thì mới được hưởng chính sách không đồng chi trả ? 3/ Vì sao chỉ được chọn cơ sở KCB trong cùng địa bàn quận huyện mà không phải ở các cơ sở thuộc quận khác ( Dù là cơ sở rất vắng khách )?
Ông Lê Văn Phúc:
1. Theo quy định của luật BHYT có hiệu lực từ 2015, TH tham gia BHYT gián đoạn dưới 3 tháng trong năm tài chính vẫn được coi là tham gia BHYT liên tục.
2. Luật BHYT quy định Vấn đề này nhằm giảm bớt khó khăn cho những bệnh nhân có chi phí điều trị lớn trong năm.
3. Theo quy định hiện hành, người có thẻ BHYT có thể lựa chọn bất kì cơ sở khám chữa bệnh tuyến huyện nào để đăng kí khám chữa bệnh ban đầu không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Ngoài ra thực hiện quy định về thông tuyến thì người có thẻ BHYT còn có thể đến bất kì một bệnh viện tuyến huyện nào trên cả nước để khám chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả như bệnh nhân khám chữa bệnh đúng tuyến.
Quốc Anh , Nam - 50 Tuổi
Tôi muốn mua BHYT tự nguyện gần nơi ở khu Trung Tự thì có được chọn lựa đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu theo ý mình không? Ở những BV nào hay phải theo quy định và phải đăng ký mua ở đâu?
Ông Lê Văn Phúc: Ông có thể truy cập vào trang web BHXH thành phố Hà Nội để biết danh sách các cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu để lựa chọn nơi đăng kí phù hợp theo hướng dẫn.
Hồng Anh , Nữ - 35 Tuổi
Với người bệnh cấp cứu vào Việt Đức, làm thế nào để được hưởng BHYT? Cảm ơn bà
Bà Nguyễn Thị Bích Hường: Chào ông bà, trường hợp người bệnh cấp cứu để được hưởng đầy đủ quyền lợi BHiYT bệnh viện Việt Đức người bệnh chỉ cần xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh. Người bệnh không cần xin giấy giới thiệu chuyển tuyến của tuyến dưới.
Hà Huế , Nữ - 35 Tuổi
Từ ngày 01/01/2016, Người có thẻ BHYT đã được thông tuyến huyện trên toàn quốc khi đi khám chữa bệnh hay chưa?
Ông Lê Văn Phúc: Theo quy định từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT đăng kí khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế, phòng khám đa khoa, bệnh viện tuyến huyện được khám chữa bệnh tại các cơ sở nêu trên trong phạm vi tỉnh, và được khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc, được quỹ BHYT chi trả như khám chữa bệnh đúng tuyến.
Trịnh mai hương , Nữ - 28 Tuổi
Những đơn vị nào của tư nhân ở Hà Nội tương đương với bệnh viện tuyến huyện.Và nếu em muốn đăng kí BHYT lên tuyến tỉnh để khám chữa bệnh có được không, nếu được thì cần những gì?
Ông Lê Văn Phúc: Tùy thuộc bạn là đối tượng tham gia BHYT nào thì được đăng kí ban đầu tại bệnh viện tuyến tỉnh, Đề biết rõ các quy định cụ thể, danh sách các cơ sở khám chữa bệnh ban đầu trên địa bàn Hà Nội, mời bạn truy cập vào trang web BHXH thành phố Hà Nội.
(Tiếp tục cập nhật...)
VietNamNet
Đăng nhận xét